Trên trang Youtube ở Hàn Quốc, bên cạnh video về làm đẹp và người nổi tiếng, một nội dung khác đang trở nên thịnh hành là cuộc sống của những học sinh cấp 3 sau khi bỏ học. Những video này ghi lại toàn bộ quá trình xin thôi học, từ khi thông báo cho bố mẹ, khoảnh khắc đến trường nộp đơn cho đến ngày tổ chức tiệc chia tay với các bạn cùng lớp.
"Tôi quyết định ghi lại trải nghiệm bỏ học của mình vì tôi muốn mọi người hiểu hơn về nó", Park Jun A, tác giả của nhiều video về nội dung này, chia sẻ.
Nhiều học sinh THPT đã nghỉ học như Park cũng làm tương tự. Một vài video nổi bật còn thu hút 9 triệu lượt xem, tương đương 1/6 dân số Hàn Quốc.

Các video chia sẻ việc bỏ học, thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald
Đa số người xem để lại những bình luận tích cực bên dưới. "Bỏ học không phải là một quyết định dễ dàng. Bạn đã lựa chọn những gì mình cảm thấy hạnh phúc", một người xem bình luận.
Lee Chae Won, 16 tuổi, rất thích xem những video có nội dung như vậy vì muốn biết về "đời sống không trường học".
"Đi học là cuộc sống duy nhất mà em biết. Em xem những video này không phải vì em có ý định bỏ học, mà vì em tò mò muốn biết các bạn tầm tuổi em sống thế nào khi không đến trường", Lee nói.
Mặt khác, một số bạn trẻ tìm đến những video này trước khi đưa ra quyết định bỏ học. Những băn khoăn, thắc mắc của họ về quá trình xin thôi học sẽ được các youtuber tổng hợp và giải đáp.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, tỷ lệ bỏ học của học sinh THPT tăng liên tiếp trong trong ba năm, từ 1,1% năm 2020 lên 1,9% năm 2022.

Học sinh Hàn Quốc. Ảnh: AP
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân do nền giáo dục công có một số hạn chế, chưa tạo cơ hội cho học sinh phát triển cá tính độc đáo của mình.
Theo dữ liệu của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hơn 88% học sinh cho biết sẽ tiếp tục đến trường nếu có cơ hội phát huy tài năng hoặc được khám phá những triển vọng nghề nghiệp đa dạng hơn.
"Hệ thống giáo dục công lập nên thay đổi để học sinh được thể hiện cá tính", Giáo sư Park Joo Ho ở Khoa Giáo dục, Đại học Hanyang, nói. Bà cũng thêm rằng sự thay đổi nên đi theo hướng thúc đẩy tư duy phản biện của học sinh, thay vì chăm chăm học nội dung sách giáo khoa như hiện tại.
Phương Anh(TheoKorea Herald)