"Vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện", Thủ tướng phát biểu khai mạc khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11, sáng 17/11.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh xây dựng pháp luật phải cắt giảm tối đa thủ tục, giảm bớt xin cho, giảm sách nhiễu, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các quy định phải xử lý vấn đề mới phát sinh để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển. "Không để cài cắm lợi ích nhóm, cục bộ, lợi ích của bộ ngành, địa phương trong xây dựng pháp luật", Thủ tướng lưu ý.
Ông Chính yêu cầu Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, nếu đơn vị nào chưa phân công người đứng đầu phụ trách công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thì cần làm ngay, hoàn thành trong tháng này với tinh thần "đã nói phải làm, đã có nghị quyết phải thực hiện".
Thủ tướng cũng chỉ ra công tác hoàn thiện thể chế còn bất cập, một số dự thảo chậm, chất lượng chưa đảm bảo. Tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Phản ứng chính sách chưa kịp thời, kỷ cương có nơi chưa nghiêm. "Đây là nội dung được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, cần hết sức lưu tâm, sớm xử lý", ông nói.
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, sáng 17/11. Ảnh: Nhật Bắc
Thời gian qua, nhiều nơi xảy ra tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm. Một trong những nguyên nhân là quy định chồng chéo và thực tiễn phát sinh mà pháp luật chưa có quy định.
Để khắc phục, cuối tháng 9, Chính phủ ban hành nghị định, cho phép cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nói những vấn đề chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội".
Tuy nhiên, thảo luận tại Quốc hội đầu tháng 11, đại biểu Trần Hữu Hậu (nguyên Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho rằng, thay vì để cán bộ phải "xé rào" thực thi nhiệm vụ, cần tìm rõ vướng mắc, chồng chéo và giải quyết để cán bộ yên tâm làm việc.
"Chúng ta cần xây dựng pháp luật để cán bộ không phải đem sinh mệnh chính trị của mình ra thực thi chức trách, nhiệm vụ", ông nói và cho rằng giải pháp căn cơ là quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó sửa đổi bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ chủ động thực thi công vụ.