13h hôm nay, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc xuống 3,27 m, trên sông Hương tại Kim Long còn 2,26 m, vượt báo động ba 0,26 m. So với đỉnh lũ ngày 15/11, nước đã rút 1,8-2,1 m.
Hiện còn hơn 4.000 nhà dân bị ngập 0,2-0,6 m, giảm 1/4 so với ngày đỉnh lũ, tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và TP Huế. Do mưa đang giảm nhanh, các hồ thủy điện cũng giảm lưu lượng xả nên lũ sẽ rút nhanh.

Nước sông Hương sáng 17/11. Ảnh: Võ Thạnh
Đánh giá về đợt mưa lũ này, ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nói lũ ở sông Bồ và Hương cao nhất trong 10 năm qua và lớn thứ năm trong 30 năm gần đây.
Cụ thể, lũ sông Bồ đạt đỉnh 5 m lúc 17h ngày 15/11, tức chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 là 0,27 m. Lũ sông Hương đạt đỉnh 4,34 m lúc 19h30 cùng ngày, thấp hơn đỉnh 1999 là 1,47 m.
Lũ lên nhanh và rút nhanh nên không gây ngập kéo dài và thiệt hại lớn như trận lụt lịch sử năm 1999. Thống kê đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 3 người chết. Trong khi trận lụt năm 1999, toàn tỉnh có 352 người chết, 21 người mất tích, 900.000 dân bị thiếu đói nhiều ngày.

Bảo vệ dọn dẹp ở kinh thành Huế khi lũ rút. Ảnh: Võ Thạnh
Lý giải vì sao Thừa Thiên Huế lũ lớn, chuyên gia khí tượng cho biết địa phương này là tâm mưa của miền Trung. Từ ngày 13 đến 16/11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa mưa phổ biến 200-400 mm; Quảng Trị - Quảng Ngãi 300-600 mm.
Riêng Thừa Thiên Huế do kết hợp yếu tố địa lý, địa hình (phía tây có dãy Trường Sơn, phía nam có dãy Bạch Mã, đèo Hải Vân chạy dọc ra biển) nên mưa tới 600-900 mm, một số nơi trên 1.000 mm, như: Xuân Lộc 1.300 mm, thủy điện Bình Điền - Hương Trà 1.230 mm, thủy điện Rào Trăng 1.150 mm, vườn quốc gia Bạch Mã 1.120 mm. Các hồ liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt cho hạ du.
Nước rút đến đâu, người dân Huế dọn dẹp tới đó. Video: Võ Thạnh
Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các địa phương, mưa lũ đã làm 7 người chết (Quảng Trị 3, Thừa Thiên Huế 3, Bình Định 1), 2 người ở Phú Yên và Quảng Nam mất tích. Gần 500 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu ở Quảng Trị, Khánh Hòa bị hư hại. Hơn 1.600 con gia súc, gia cầm bị chết.
Về giao thông, thời điểm đỉnh lũ 85% tuyến đường tại TP Huế bị ngập; hàng loạt tuyến khác ngập lụt, ách tắc như quốc lộ 1, 49B, 49C, tỉnh lộ 582, 582B, 584, 6B, 8C, 11A, 11B, 11C... ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Chiều nay, tại trung tâm TP Huế, nước rút, công nhân môi trường dọn dẹp rác thải, bùn non ở cầu đi bộ gỗ lim ven sông Hương và trên các tuyến đường. Trường học huy động giáo viên dọn dẹp phòng học chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Võ Thạnh