- 9h10
Phiên chất vấn lĩnh vực thứ 2 về kinh tế ngành kết thúc.
- 9h05
Đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án BOT
Ông Nguyễn Quang Huân tranh luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về giải pháp cho 8 dự án BOT thua lỗ là sẽ giảm lợi nhuận chủ đầu tư, đàm phán giảm lợi nhuận vốn của ngân hàng. Ông cho rằng đây sẽ là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, nếu giảm lợi nhuận thì họ có đứng vững được hay không. Còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào, liệu có ảnh hưởng niềm tin của họ hay không?. "Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này", ông nói.
Ông Huân đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ để cơ cấu, hỗ trợ dự án phải dừng kinh doanh sớm. Nếu không hỗ trợ được một lần, một năm thì có thể chia làm nhiều năm, nhiều lần nhưng cần công bố công khai, "hơn là im lặng vì sẽ làm hoài nghi tính hiệu quả hiệu lực Nghị quyết Quốc hội".
Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói 8 dự án BOT đang được Bộ làm việc sát sao với nhà đầu tư, ngân hàng "trên cơ sở đàm phán bởi đây là hợp đồng ký giữa hai bên", nguyên tắc là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các cơ quan đang nghiên cứu để nhà đầu tư thu hồi được vốn.
"Không thể ấn định rằng nhà đầu tư không có lãi hay ngân hàng phải miễn lãi toàn bộ", ông Thắng nói và đề xuất dùng ngân sách mua lại 5 dự án, còn 3 dự án được hỗ trợ dưới 50% theo quy định pháp luật.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa trái) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn sáng 7/11. Ảnh: Ngọc Thành
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Năm dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ.
Ba dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà và BOT hầm Đèo Cả.
Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10.340 tỷ đồng.
- 9h00
Cát biển đạt yêu cầu đắp nền cao tốc
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Phó đoàn Vĩnh Long) nói Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu dùng cát biển đắp nền cao tốc. "Vậy việc dùng cát biển thay thế cát sông cho các dự án cao tốc Bắc Nam có khả thi hay không", bà chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Minh Trang. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói để đáp ứng nhu cầu xây cao tốc, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã nghiên cứu thí điểm dùng cát biển đắp nền dự án. Đến nay, qua 5 lần quan trắc và nhiều cuộc họp đánh giá cho thấy chất lượng cát biển đạt yêu cầu đắp nền cao tốc về sức tải, độ ổn định. Cát biển có giá trị như cát sông, chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường.
Bộ Giao thông Vận tải đang thí điểm nghiên cứu dùng cát biển tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu để đắp nền, từ đó nghiên cứu toàn diện hơn. "Chúng tôi sẽ mở rộng diện tích thí điểm và cho phép dùng cát biển làm vật liệu xây cao tốc. Tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc khai thác bền vững, không ảnh hưởng môi trường", Bộ trưởng Thắng nói.
- 8h55
'Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên tùy theo dự án'
Đại biểu Vũ Tiến Lộc tranh luận về vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Ông nói, Bộ trưởng Thắng trả lời là các nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước mà tùy theo tính chất dự án, còn ở Việt Nam, Nhà nước tham gia tối đa 70%. "Tôi nghĩ rằng cần căn cứ vào tính chất từng dự án, trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước bao nhiêu thì phù hợp. Như vùng khó khăn, xa xôi thì vốn Nhà nước cần tham gia nhiều", ông Lộc nói.
Ông đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật PPP để phù hợp thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà y tế, giáo dục cũng đang bế tắc. "Với dự án PPP trong một số lĩnh vực thì có thể chỉ 10 tỷ, 20 tỷ đồng cũng là phù hợp, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục", ông Lộc nêu quan điểm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Media Quốc hội
- 8h45
Sản phầm OCOP phải là 'kết tinh của tài nguyên bản địa'
Chât vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho biết Nghị quyết 62 của Quốc hội nêu phấn đấu đến hết 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ ba sao trở lên. Hiện tại chỉ mới được nửa nhiệm kỳ nhưng chỉ tiêu 10.000 sản phẩm đã gần đạt. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết có phải chỉ tiêu này đưa ra quá thấp so với tiềm năng thực tế của ngành và cần làm gì để duy trì tính bền vững cho những sản phẩm đã được công nhận", bà Trân nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo Nghị quyết thì đến năm 2025, số hợp tác xã cần đạt 25.000, đến thời điểm này đã có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp. Từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, người dân đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức cũng như hành động, địa phương cũng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, thành lập, nâng cao chất lượng hợp tác xã.
Cả nước đang có khoảng 10.000 sản phẩm OCOP. Thời gian sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn địa phương để OCOP thực sự trở thành kết tinh của tài nguyên bản địa, công nghệ, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
"Việc tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng đưa được sản phẩm ra thị trường càng khó hơn", Bộ trưởng Hoan nói, cho rằng sản phẩm đưa ra thị trường cần có giá tối ưu, tạo thành sinh kế cộng đồng. Ông đề nghị các lãnh đạo địa phương chú trọng đến hợp tác xã và sản phẩm OCOP để xây dựng khu vực kinh tế, tạo cơ hội thu hút thêm đầu tư từ bên ngoài.
- 8h40
Không xây được nhà máy xử lý vì không đủ rác
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) cho biết hiện tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tỷ lệ này ở đô thị đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%; nông thôn đạt 71%. Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác vì quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này. "Đề nghị Bộ trưởng nêu kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp", bà Xuân chất vấn.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn quốc khoảng 67.000 tấn/ngày; trong đó rác đô thị khoảng 36.800 tấn, nông thôn trên 29.000 tấn. Vừa qua, các địa phương đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải; nhiều nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được xây dựng. Hiện, cả nước có khoảng 1.200 cơ sở xử lý; hơn 460 lò đốt và 38 dây chuyền compost (phân hữu cơ cho cây trồng) và hơn 1.000 bãi chôn lấp.
"Số liệu như đại biểu nói 96% rác thải đô thị và 75% rác thải nông thôn được xử lý là con số xử lý bằng hình thức chôn lấp", ông Khánh thông tin.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý rác thải vẫn rất khó khăn, từ việc xây dựng các nhà máy đốt phát điện, phân loại rác tại nguồn chưa triệt để; địa phương không đủ lượng rác để xây nhà máy. "Ở một số địa phương, ngay đô thị trung tâm cũng chỉ có 200-300 tấn rác một ngày nên rất khó khăn khi xây dựng nhà máy xử lý tập trung. Các nhà máy cần lượng rác lớn để đảm bảo công suất ổn định", ông Khánh nói.
Theo ông, Bộ đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với phương tiện vận chuyển; tiêu chí về công nghệ xử lý; giá dịch vụ thu gom, xử lý; hình thức thu giá theo khối lượng hoặc thể tích; phương pháp định giá cho các nhà cung cấp dịch vụ; hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, từ đó xử lý rác thải triệt để. "Bộ phấn đấu năm 2024 ban hành quy chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và quy chuẩn về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt", Bộ trưởng Khánh cho hay.
- 8h30
Sẽ đấu giá quyền thu phí các dự án giao thông
Trả lời đại biểu Phạm Thúy Chinh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhắc lại việc thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông thời gian qua chưa hiệu quả. Toàn quốc có 5,2 triệu ôtô, phân bố chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM (chiếm 50%), nên việc thu hút nhà đầu tư làm dự án PPP gặp khó.
Giai đoạn 2016, Việt Nam có 70 dự án giao thông PPP nhưng hiện nay rất nhiều dự án có vướng mắc chưa tháo gỡ được, làm ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp. Nhiều dự án đến thời điểm được tăng phí nhưng cũng chưa được tăng vì liên quan đến điều hành giá và điều hành chỉ số giá tiêu dùng CPI. Có những dự án chưa được hoàn vốn.
"Đằng sau các doanh nghiệp là ngân hàng, khi các ngân hàng thấy dự án có rủi ro thì rất khó để họ tham gia, như vậy thì doanh nghiệp không thể thực hiện được", Bộ trưởng Thắng nói.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Ngọc Thành
Đồng tình với đại biểu Phạm Thúy Chinh rằng việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP không phải là yếu tố quyết định, ông Thắng dẫn một số nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước, có dự án Nhà nước tham gia nhiều nhưng hiệu quả không tốt, hoặc dự án có khả năng thu hồi vốn cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%.
"Chúng ta cần chủ động thay đổi tư duy khi làm hạ tầng giao thông. Bộ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông. Chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí", ông Thắng cho hay.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Video: Truyền hình Quốc hội
- 8h25
Hàng giả mua bán trên mạng vẫn nhức nhối
Bà Lê Đào Anh Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) đề cập tới tình trạng hàng giả, kém chất lượng đang nhức nhối, nhất là qua kênh bán hàng online và trong các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mà chưa có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước. "Đến bao giờ Bộ có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng này để người tiêu dùng được bảo vệ?", bà chất vấn.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong trong kinh tế số, tạo động lực phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Doanh thu mỗi năm thị trường này đạt 16-19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20-25% mỗi năm, là mức cao trong khu vực, thế giới. Nhưng ông cũng thừa nhận thương mại điện tử đang tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như đại biểu nêu.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Ngọc Thành
Theo trưởng ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, hàng không có xuất xứ quy mô lớn, như vụ kiểm tra tại Trung tâm Sài Gòn Square, phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam; kiểm tra xử lý 4 kho hàng chứa nhiều hàng giả mạo tại Thanh Hóa...
Từ đầu năm tới nay, quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 500 vụ, xử lý gần 500 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng. Hành vi xâm phạm chủ yếu là bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam, hay dùng website bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý.
Theo Bộ trưởng Công thương, Bộ sẽ bổ sung quy định về gỡ bỏ thông tin hàng vi phạm trong 24 giờ phát hiện, xử lý hành vi bán hàng online vi phạm. Bộ cũng phối hợp với các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục, cùng mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo hỗ trợ xử lý các nội dung mua bán hàng hóa vi phạm trên nền tảng mạng xã hội.
Ông Diên cho hay, tới đây Bộ Công Thương sẽ rà soát quy định pháp luật, luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi; phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý toàn diện giao dịch người mua - bán trên Internet; tăng cường quản lý giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin quản lý Nhà nước trong thương mại điện tử.
- 8h20
Ngăn chặn khai thác cát quá sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tranh luận với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần hạn chế khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và đánh giá tác động môi trường ngăn chặn sạt lở bờ sông. Theo ông Hòa, cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm, trong khi xây dựng đường cao tốc sử dụng tới 54 triệu m3. Ông kiến nghị sớm có giải pháp quản lý và hạn chế khai thác cát.
"Ngay việc khai thác cát được cấp phép cho phép mặt âm lòng đất xuống 10 m hoặc 20 m nhưng họ khai thác tới 30 m-40 m. Công tác kiểm tra, xác minh rất khó khăn", ông Hòa lo ngại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh đồng tình với những lo ngại của đại biểu Hòa, cho biết lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đi 70% so với 20 năm trước do hệ thống thượng nguồn bị xây dựng các đập và nhiều hệ thống công trình.
Theo ông Khánh, ngoài khai thác cát trái phép, nhiều doanh nghiệp hiện nay khai thác quá công suất và quá chiều sâu. Việc quản lý rất khó khăn dù đã phân cấp cho địa phương. Thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá toàn bộ hệ thống trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long; cùng địa phương kiểm tra giám sát, huy động hệ thống máy móc, rà soát tổng thể để ngăn chặn việc này.
- 8h15
Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để xóa 'quy hoạch treo'
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) nói năm 2019 Quốc hội ban hành nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý đất đai đô thị để khắc phục tình trạng dự án treo gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân. "Bộ trưởng Xây dựng có giải pháp gì thực hiện chủ trương này?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Bộ đã tổ chức rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Bộ cũng hoàn thiện văn bản hướng dẫn, tham mưu sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng; cấp giấy phép xây dựng có thời hạn ở dự án quy hoạch.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ Xây dựng tăng cường thanh tra tại các địa phương và yêu cầu công khai quy hoạch, hủy bỏ dự án đã quá thời hạn hoặc không có tính khả thi.
"Chúng tôi đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo", Bộ trưởng Nghị trả lời.