Những năm qua, sản phẩm xuất xứ Nhật Bản chinh phục nhiều người tiêu dùng Việt nhờ khắt khe về chất lượng. Năm 1993, ngay khi xâm nhập thị trường Việt, Acecook Việt Nam cũng đặt tiêu chuẩn cao nhất trong mọi hoạt động, đồng thời kiên trì theo đuổi phương châm "không chỉ bán sản phẩm, mà còn hướng đến sự an tâm".
Theo ông Kaneda Hiroki - Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, trước khi tung ra thị trường, mỗi gói mì ăn liền phải trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt gồm: kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và chất lượng đầu ra.
Để kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu, doanh thiết lập đầy đủ chỉ tiêu về an toàn vệ sinh theo quy định Luật thực phẩm trong nước lẫn quốc tế. Toàn bộ thành phần - từ bột mì, gia vị, bột súp đến gói rau... đều chọn lọc từ những nhà cung cấp uy tín, đạt chứng nhận HACCP và trải qua đánh giá định kỳ hàng năm.
Công ty áp dụng nhiều bộ tiêu chuẩn và hệ thống quốc tế như: BRC, BRC, IFS Food, ISO 22000:2018. CEO Kaneda Hiroki nhấn mạnh toàn bộ quy trình sản xuất mì có quy mô, chuyển giao công nghệ từ Acecook Nhật Bản nên đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất.
Cụ thể, nhà máy ứng dụng dây chuyền tự động, đầu tư thiết bị kỹ thuật cao, kết hợp công nghệ làm mì từ Nhật. Tại Việt Nam, doanh nghiệp hiện có 6 chi nhánh, 11 nhà máy, chuyên sản xuất sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, phở, hủ tiếu...
"Tiêu chuẩn công nghệ không đơn thuần nằm ở chất lượng máy móc, dây chuyền hiện đại, chuẩn mực trong từng công đoạn chế biến, mà còn là tâm huyết của công ty: mong mang đến cho người tiêu dùng những bữa ăn chất lượng, hạnh phúc", CEO Kaneda Hiroki cho hay.

Kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng đảm bảo sản phẩm luôn an toàn đến với người tiêu dùng. Ảnh: Acecook Việt Nam
Bên cạnh kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng, Acecook Việt Nam không ngừng truyền thông, kêu gọi người dùng hiểu đúng về mì ăn liền.
CEO Kaneda Hiroki dẫn thống kê của Wina hồi tháng 5, tính theo mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam dẫn đầu. Cụ thể, một người Việt nạp khoảng 85 gói mỗi năm, tương ứng 4 ngày ăn một gói. Tiêu thụ nhiều nhưng trong suy nghĩ của không ít người, mì gói chỉ được xem là giải pháp "cứu đói", khi không còn lựa chọn nào. Thậm chí món ăn này bị gán với hình ảnh "nghèo", "kém dinh dưỡng", "gây ảnh hưởng sức khỏe"...
"Đứng trước lo ngại của người dân, chúng tôi có trách nhiệm phải cung cấp đúng thông tin đúng, truyền thông sao cho mọi nhà đều hiểu và an tâm. Bởi lẽ nếu vừa ăn, vừa lo lắng, bạn sẽ không thấy ngon miệng, hạnh phúc. Nhà sản xuất dù tâm huyết đến mấy cũng mất đi cảm hứng sáng tạo", ông Kaneda Hiroki nói.
Do đó, Acecook quyết định mở rộng chương trình tham quan nhà máy, tiếp đón khoảng 10.000 khách mỗi năm. Hoạt động này giúp người tiêu dùng có dịp trực tiếp quan sát quy trình sản xuất một gói mì bằng dây chuyền công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật từ Nhật, hiểu cách pha chế mì đúng chuẩn, từ đó an tâm hơn với chất lượng sản phẩm.
"Chúng tôi liên tục hướng dẫn mọi người công thức chế biến mì ăn liền cân bằng dinh dưỡng, nỗ lực trong công cuộc đưa sản phẩm đến gần hơn mỗi bếp ăn gia đình", người đứng đầu doanh nghiệp nói thêm.
Hiếu Châu